Lượt xem: 1771

Doanh nghiệp bánh kẹo, thực phẩm tăng tốc sản xuất phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022

Chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhân Dần 2022, nhiều doanh nghiệp bánh kẹo, thực phẩm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang đẩy nhanh tiến độ sản xuất để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong những ngày cuối năm.

 


Cơ sở sản xuất bánh kẹo Hiệp Phong đang tăng tốc sản xuất phục vụ thị trường Tết. Ảnh: H.LAN

 

    Năm 2021 là năm đầy khó khăn, thách thức bởi COVID-19, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã bị ảnh hưởng rất nặng nề, sản xuất bị đình trệ, thậm chí phải đóng cửa để phòng dịch, hoạt động cầm chừng do thiếu công nhân lao động, nguyên liệu sản xuất, đầu ra cho sản phẩm... Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp đã dần phục hồi, tái sản xuất, nhất là doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, thực phẩm đã hoạt động trở lại để đảm bảo nguồn hàng hóa cung ứng cho thị trường Tết Nhâm Dần 2022 sắp tới.

    Chúng tôi ghé thăm cơ sở sản xuất bánh kẹo Hiệp Phong trên địa bàn thành phố Sóc Trăng, không khí làm việc của công nhân lao động khá nhộn nhịp. Tuy không thể so sánh với năm 2020 nhưng công suất hoạt động như hiện tại đã vượt qua kỳ vọng của anh Trương Văn Thành - chủ cơ sở. Bởi theo anh Thành, trong dịp Tết Trung thu vừa qua, cơ sở của anh đã thất thu mùa bánh pía nên chỉ trông chờ vào dịp Tết và rất may khách hàng vẫn nhớ đến các sản phẩm do cơ sở của anh sản xuất. Theo anh Thành, hiện cơ sở có khoảng 35 công nhân lao động làm việc từ 6 giờ 30 phút sáng đến 9 giờ tối mới đáp ứng được các đơn hàng trong và ngoài tỉnh với số lượng bình quân khoảng 3 tấn kẹo/ngày. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, cơ sở Hiệp Phong năm nay có 3 sản phẩm gồm: Kẹo gạo lứt, kẹo mè đen và kẹo đậu phộng với 3 mức giá từ 50.000 đến 70.000 đồng/kg để khách hàng lựa chọn. Anh Thành cho biết thêm, trong 2 tháng tết (tháng 11 và 12 âm lịch) dự kiến cơ sở của anh sản xuất phục vụ thị trường khoảng 180 tấn kẹo các loại, so với năm 2020 sản lượng sụt giảm khoảng 30%.

    Là một trong những doanh nghiệp có thâm niên sản xuất lạp xưởng - bánh pía và các loại kẹo như kẹo đậu phộng, kẹo dẻo, mứt bí..., cơ sở Bánh pía lạp xưởng Mỹ Anh (huyện Châu Thành) cũng đang tập trung sản xuất phục vụ cho thị trường Tết Nhâm Dần 2022. Theo chia sẻ của chủ cơ sở là chị Thái Thị Mỹ Nhung, hiện cơ sở sản xuất khoảng 4-5 tấn lạp xưởng các loại/ngày, so với trước đó năng suất đã tăng vì sắp Tết nhu cầu sử dụng của người dân cũng tăng lên. Tuy nhiên, năm nay sản lượng lạp xưởng, bánh kẹo của cơ sở đã giảm khoảng 50% so với mùa Tết năm trước. Vì dịch bệnh nên đời sống người dân bị ảnh hưởng, thu nhập giảm, nhiều người sẽ tiết kiệm chi và sẽ chọn đón cái tết đơn giản hơn bên gia đình, những phần quà biếu, tặng người thân chắc chắn cũng sẽ cắt giảm nên cơ sở cũng chỉ tăng tốc phục vụ đủ cho thị trường trong bối cảnh dịch bệnh chứ không sản xuất “ồ ạt” như các năm trước. Ngoài các thị trường truyền thống, Tết năm 2022, cơ sở Mỹ Anh cũng tăng cường bán hàng thông qua mạng xã hội, nhận ship hàng tận nhà cho khách mua lẻ, nhằm mở rộng số lượng người tiêu dùng.

    Anh Trương Quốc Khánh - Giám đốc Công ty TNHH Lập Hưng cho biết, Công ty đang bước vào mùa Tết, anh em công nhân đang tập trung cho sản xuất phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Vẫn như mọi năm, công ty anh vẫn tung ra thị trường 3 sản phẩm lạp xưởng gồm: Lạp xưởng tôm, lạp xưởng nạc và lạp xưởng tươi với mức giá dao động từ 210.000 - 250.000 đồng/kg. Tuy nhiên theo anh Khánh, cũng như các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khác, công ty anh hiện chỉ hoạt động khoảng 60% công suất vì dự báo tình hình mua sắm của người dân sẽ giảm so với cùng kỳ.


Lạp xưởng là sản phẩm được người dân ưa chuộng trong những ngày Tết. Ảnh: H.LAN

 

    Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Công Thương, do ảnh hưởng dịch bệnh nên năm 2021, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Nhưng với sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19” cùng với sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, nhiều địa phương đã chuyển sang “vùng xanh”, “vùng vàng”, đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, mua bán của doanh nghiệp, người dân. Đến nay, có khoảng 70% doanh nghiệp đã phục hồi, tái sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, thực phẩm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần nhưng quy mô thu hẹp hơn và trong thời gian tới chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ hoạt động hết công suất trong trạng thái “bình thường mới”.

    Càng gần Tết, thị trường hàng hóa phục vụ Tết càng nóng, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp cho rằng sức mua Tết Nhâm Dần 2022 sẽ giảm do COVID-19 kéo dài, người dân sẽ thắt chặt chi tiêu để tiết kiệm. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp chỉ tăng tốc sản xuất cho thị trường tết chứ không chủ động sản xuất, dự trữ quá nhiều hàng hóa.

H. LAN



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 80
  • Hôm nay: 6382
  • Trong tuần: 73,702
  • Tất cả: 11,857,891